Vì sao lại gọi là thuốc lào?

Theo nhà sử học Đào Duy Anh, cây thuốc lào có lẽ từ Lào (Ai Lao) du nhập vào Việt Nam nên mới có tên gọi như vậy. Cũng có giả thiết khác cho rằng, thuốc Lào được trồng và thử nghiệm lần đầu tiên bởi cụ Hồ Lào vào thế kỷ 18, chính thức được đặt tên thương hiệu là thuốc Lào và được lưu hành rộng rãi trên thị trường ba nước Đông Dương dưới sự bảo trợ của Pháp.

Sách Vân Đài loại ngữ của Lê Quý Đôn và Đồng Khánh dư địa chí gọi cây thuốc lào là tương tư thảo (cỏ nhớ thương), sở dĩ nó có tên gọi như vậy bởi vì người nghiện thuốc lào mà 2, 3 ngày không được hút thì trong người luôn cảm thấy bứt rứt khó chịu trong đầu luôn luôn nghĩ đến 1 hơi thuốc, giống như nhớ người yêu lâu ngày không gặp vậy đó mới có tên là tương tư. Thời xưa, ngoài miếng trầu là đầu câu chuyện, thuốc lào cũng được đem ra để mời khách, hút thuốc lào còn được gọi là ăn thuốc lào.

Thuốc lào là gì?

Cây thuốc lào có tên khoa học là Nicotiana rustica L, là một loài thực vật thuộc chi Thuốc lá (Nicotiana), họ Cà Solanaceae. Loài này có hàm lượng nicotin rất cao. Lá của nó ngoài việc dùng để hút còn sử dụng rộng rãi trong việc sản xuất các thuốc trừ dịch hại hữu cơ. Cây thân thảo, mọc quanh năm, cao chừng 1m, thấp hơn cây thuốc lá.

Ở một số vùng, thuốc lào đã thành thương hiệu ngon nổi tiếng, như Thuốc lào Thanh Hóa, An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Kiến An (thuộc thành phố Hải Phòng);  Trong những nơi trồng thuốc lào thì làng An Tử Hạ nay là làng Nam Tử thuộc Tiên Lãng được đánh giá cao hơn hẳn, vì có tiếng là thuốc ngon và đậm khói. Thời xưa thuốc lào của làng An Tử Hạ còn được dùng để tiến vua và được ghi vào sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi.

Thuốc lào làm từ gì?

Thuốc lào sau khi gieo trồng và thu hoạch chủ yếu được chế biến thủ công, lá được rửa, lau sạch sau đó được thái, xắt nhỏ ra, phơi khô rồi hồ để tiện cho việc đóng thành bánh. Hút thuốc lào sử dụng dụng cụ gọi là điếu, có 3 loại điếu chính:

Điếu cày: thân điếu hình ống (bằng tre, nứa, kim loại nhẹ) dài khoảng 40 – 60cm, một đầu của thân điếu phải kín để thân điếu có thể chứa nước, đầu kia hở dùng để hút. Vị trí gần phía đầu kín của thân điếu được khoan một lỗ gọi là nõ điếu để tra thuốc lào vào hút.

Điếu bát: gồm có bát điếu (bằng gốm, sứ) là nơi chứa nước, nõ điếu lắp ở phía trên. Điếu bát không thuận lợi khi mang xách nên thường dùng để hút ở nhà.

Điếu ống chạm bạc còn gọi là điếu dóng: tương tự điếu cày nhưng ngắn và to hơn, làm bằng gỗ quý, xương ống của động vật hoặc bằng ngà… Loại điếu này hiện nay hầu như không còn được sử dụng để hút thuốc lào nữa.

Ngoài ra khi không có sẵn điếu, người ta có thể dùng lá chuối, giấy cuộn lại, miệng ngậm một ngụm nước là có thể hút được thuốc lào. Sợi thuốc lào được vê tròn lại thành viên cỡ đầu ngón tay út và tra vào nõ điếu. Sau đó dùng lửa để đốt cho thuốc cháy tạo thành khói đồng thời dùng miệng để hút. Ngoài cách hút thuốc, thuốc lào còn dùng để nhai giống như trong trường hợp ăn trầu. Khi nhai riêng thì gọi là thuốc rê và người “ăn” sẽ ngậm một nhúm thuốc lào khô trong miệng, kẹp giữa răng và má, thỉnh thoảng nhai để chắt lấy nước chứ thực ra không nuốt phần bã thuốc.

Các bài viết liên quan